Quanh chuyện sống với người già

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi suckhoelavang3479, 18/9/17.

  1. 5
    0
    1
    suckhoelavang3479

    suckhoelavang3479 New Member

    Tham gia ngày:
    27/6/17
    Giới tính:
    Nữ
    Nơi ở:
    Long An
    Trong nhà có người già lẫn trẻ con, ngày ngày nhìn và so sánh cách sinh hoạt, mới thấy hai đối tượng này quá sức giống nhau. Khác chăng là ở quy mô và độ nhăn nheo, và một bên là đồ thị đi xuống, một bên là đồ thị đi lên.

    Người già cũng dán mắt vào truyền hình như trẻ con, cũng xem đi xem lại một bộ phim dễ hiểu, giống trẻ con xem mãi một phim hoạt hình chuột đuổi mèo bất thành và vô lý. Người già cũng thích bánh kẹo, ghét hoa quả hệt thằng trẻ con trong nhà này, cũng ăn đâu là bày ra đấy, khiến người đi sau dọn không thể không nhớ lại cách đây hai mươi năm người già ấy còn gọn gàng, cẩn thận…

    Gặp bạn bè, nghe chuyện người già mỗi nhà mỗi kiểu. Có cụ bị điếc, có cụ bị lẫn, có cụ toàn nói chuyện tưởng tượng, hoang đường, có cụ lặp đi lặp lại mãi một câu chuyện, một câu hỏi, có cụ ỉa di đái dầm một chỗ, có cụ sợ ở một mình…

    Thì cũng giống trẻ con thôi… Biết thế nhưng những đứa con lại đang thời trung niên trăm công ngàn việc, đầu óc thiếu tập trung, tuổi tác thì lỡ cỡ: quá già để nhớ nổi khi bé mình đã ngớ ngẩn thế nào, đủ trẻ để không chấp nhận những cái “dở hơi” của các ông bà cụ. Mâu thuẫn triền miên, cho nên cái chu kỳ “cãi nhau xong lại mua quà” cho bố mẹ cứ thế diễn ra đều đặn. Quà cho người già biết là gì đây ngoài khăn choàng, bánh xốp mềm và cao tẩm bổ. Mua cao về rồi lũ con bận rộn lại quên không pha phách. Cao thì rất cứng, các cụ lại không dám phiền, một cục cao “biểu tượng” có khi cứ thế nằm trong ngăn kéo đến cả năm.

    **

    Hai năm nay, “thần tượng” của nhà tôi là một người anh họ xa, có bà mẹ hơn chín chục mắc bệnh Alzheimer nằm một chỗ. Trước, cụ còn xem được truyền hình, nhưng một sáng kia, cụ gọi người con và bảo, “Thế là từ nay tôi không nhìn được anh rồi”. Mắt cũng lòa nốt, nhưng cụ không thích nghe đài, bảo “sao mà nó nói lắm thế”. Cụ nằm chơi thôi, vệ sinh tại chỗ, ăn uống có người đút.

    Nhưng may cho cụ là cụ có được người con trai có hiếu. Không đơn giản như tích ngày xưa Trần Minh khóc vì thấy mẹ yếu rồi mẹ đánh không đau, Ngô Mãnh cởi trần bẫy muỗi để muỗi khỏi đốt cha mẹ, vị con trai cả này phải hy sinh nhiều hơn: những thú lớn nhất của đàn ông hiện đại như ngồi quán xá với bạn bè, du lịch với vợ con, hay mải mê lướt mạng đọc tin, để dành gần như hết thời gian tự tay chăm mẹ. Mỗi lần nghe người con trai vui vẻ kể chuyện chăm bà, tôi đều thán phục. Cái sự vẫn yêu đời ấy thật hiếm khi có ở những người chăm bệnh. Người ta có thể kiên nhẫn, chu đáo, nhưng ít nhiều thể nào cũng lộ ra cái sự mệt. Nhưng ở đây là một sự hào hứng của một người say mê chăm sóc mẹ, coi đó như một sự nghiệp mới của mình.

    Anh lý luận rằng nuôi mẹ liệt giường sẽ không ai tốt bằng con. Không ai thuộc thói quen ăn uống của mẹ bằng con, không ai dọn vệ sinh cho mẹ sạch bằng con, chỉ có con mới có thể vừa chăm sóc vừa ôm mẹ như em bé. Anh kết luận, “Thế mà có những kẻ, xin lỗi, chỉ ôm được mèo, ôm được người khác, mà không ôm được mẹ.”

    Nghe đến đây thì tôi không dám nhìn sang mẹ, phải hơn 20 năm rồi không ôm người già này nữa.

    Nói đùa là nằm ngủ với trẻ con thật như ngủ cạnh một con ve chó, đang khi mơ ngủ nó cũng quơ tay ôm được lấy mình, rất chính xác. Giữa đêm tỉnh dậy, cánh tay tê dại vì trẻ con gối đầu, bỗng nhớ lại ngày xưa mình cũng thế này với mẹ, rồi mẹ cũng đã có lúc thế này, với bà. Ai cũng có thời là một cô bé, cậu bé… Rồi tuổi thiếu niên ập đến, tuổi thanh niên ào ạt, tuổi trưởng thành chóng mặt vì những chuyện của người ngoài, tuổi trung niên bắt đầu lo nghĩ về bệnh tật của bản thân…, tất cả bứt đứa con ra khỏi bà mẹ một cách thật tự nhiên, cả về tinh thần lẫn thể chất, để đến nỗi bây giờ, mỗi khi xem phim truyền hình Việt Nam, hễ có cảnh một chị phụ nữ đã lớn tướng còn rúc vào nách mẹ, rồi mẹ vừa ôm con vừa âu yếm mắng, lại thấy lòng thắc mắc họ làm cách nào để duy trì được những cái tiếp xúc thân mật mẹ-con ấy, sau bao nhiêu là sóng gió đời?

    **

    Mỗi trưa trẻ con đi học về, việc đầu tiên là phải hỏi han nó hôm nay ra chơi thế nào, cô có phạt điều gì không, bạn A hôm nay làm gì, bạn B còn uống xi-rô không…? Chuyện nhạt và lặp đi lặp lại nhưng ngày nào cũng muốn nghe. Trong lúc nghe “báo cáo”, bỗng nghĩ tới người già lủi thủi ngồi trên nhà kia là một kho chuyện cũ. Mà người già nào chẳng như một phòng lưu trữ những đoạn phim ngắn những điều họ đã trải qua. Nhưng con cái thường là những nhân viên tồi của kho lưu trữ ấy, không biết khai thác mà cũng không muốn khai thác những câu chuyện thời trẻ con của mẹ, cha.

    Đến thăm nhà thủ trưởng, chúng ta có thể dành cả giờ để hỏi thăm một bà cụ trong nhà chuyện cụ đi kháng chiến thế nào, cụ gặp cụ ông lần đầu tiên ra sao…, nhưng ta có lẽ chẳng khi nào hỏi mẹ mình hồi bé mẹ là một cô bé gầy hay béo, đi học thích ăn quà gì… Kể cũng buồn cười, ta thực tập bài tập về lắng nghe người khác, nhưng đúng là ta chỉ lắng nghe người khác chứ không phải lắng nghe các cụ già trong nhà. Người già cứ thế thui thủi trong nhà, xem truyền hình, đọc báo, được ăn các món ngon con nấu, khi ốm có thuốc men đầy đủ, nhưng những câu chuyện về tuổi niên thiếu, tuổi thanh niên của bản thân thì chỉ biết tự kể cho chính mình, trong đầu.

    **

    Ai đấy vẫn bảo, ông Trời đúng là chơi khăm, toàn cho người ta biết ân hận khi không còn cơ hội sửa chữa nữa, thí dụ nhiều người bản thân già rồi, điếc lác rồi, mới ân hận rằng sao ngày ấy mình khó chịu khi mẹ mình mở T.V thật là to, chỉ vì cụ điếc! Cho nên càng thêm tuổi tôi càng hiểu, vì sao có những người hạnh phúc khi được chăm mẹ liệt giường như người đàn ông đã nói đến bên trên, hay như một bí thư thành ủy miền Trung, khi được hỏi chuyện gia đình đã bảo ông có may mắn là được chăm cả cha lẫn mẹ lúc hai cụ đã lòa, đã liệt, suốt nhiều năm cho đến khi các cụ qua đời. Bố mẹ lên được “lão” đã là một điều may, bố mẹ “lão” đến mức bản thân mình cũng lên lão kịp lại là điều may nữa. Có “bệnh” là chuyện thường tình của người cao tuổi. Nếu các cụ có nằm một chỗ như trẻ con thì lại là dịp để con cái kịp chuộc lại những điều chưa làm, được yêu bố mẹ như yêu trẻ con, được chiều bố mẹ như chiều con mình…

    Chưa trải thì chưa biết, trong nhà tôi người già vẫn ngày ngày giả vờ tranh chấp với trẻ con cái Ipad và tranh luận rất hăng với bọn trung niên… Một lần bạn tôi hỏi, mỗi sáng tỉnh dậy ước mơ của chị là gì. Tôi bảo vì nhà có người già và trẻ con, ước mơ của tôi mỗi sáng chỉ là hôm nay được như hôm qua, đều đặn và bình thường. Cứ dậm chân tại chỗ thế, nhưng những bài học vẫn phải âm thầm học sớm hơn, 40 tuổi học bài về 50. 50 học bài về 60…, để những sự ân hận còn có cơ chuộc lại.

    Đọc thêm chuyện về người già tại : ensure.com.vn/song-vui-khoe-tuoi-50/cau-chuyen-uoc-mo-tuoi-50
     

Chia sẻ trang này